Là người hâm mộ thể thao, liệu bạn đã biết đâu là những sân vận động đẹp nhất Việt Nam hay chưa? Những sân này được xây dựng từ khi nào, ai là chủ sở hữu của chúng? Hôm nay, hãy cùng Bóng Đá Bên Bển khám phá chi tiết về những địa điểm này.
TOP những sân vận động đẹp bậc nhất Việt Nam
Việt Nam được biết đến là quốc gia có niềm đam mê thể thao mãnh liệt, đặc biệt là bóng đá. Trải dài từ Bắc xuống Nam nước ta có rất nhiều sân vận động được xây dựng để phục vụ nhu cầu theo dõi môn thể thao vua cho người hâm mộ. Hãy cùng điểm qua những sân vận động đẹp nhất Việt Nam.
1. Sân vận động Mỹ Đình – Hà Nội
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hay sân vận động Mỹ Đình, là một sân đa năng nằm ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Mỹ Đình được biết đến là sân vận động lớn nhất Việt Nam và là trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam. Sân toạ lạc tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Mỹ Đình được xây dựng vào năm 2002, mục đích là để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 (SEA Games 22). Sân Mỹ Đình có sức chứa 40.192 chỗ ngồi, là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao và văn hóa lớn của quốc gia và khu vực. Sân có 4 khán đài bao gồm khán đài phía Tây và phía Đông có 2 tầng, cao 25.8 m, các khán đài phía Bắc và phía Nam có 1 tầng, cao 8.4 m. Xung quanh sân vận động Mỹ Đình còn có 419 phòng chức năng và có mái che nặng 2.300 tấn.
Mỹ Đình từ lâu được xem là sân nhà của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Nơi đây từng chứng kiến nhiều chiến thắng quan trọng của đội tuyển trong các giải đấu khu vực và quốc tế. Năm 2008, trong trận chung kết AFF Suzuki Cup, Mỹ Đình đã chứng kiến một đêm huyền diệu khi đội tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan, lần đầu tiên đăng quang ngôi vương Đông Nam Á. Vào giữa năm 2022 tại SEA Games 31, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo, U23 Việt Nam đã xuất sắc giành tấm huy chương vàng quý giá, mang vinh quang về cho tổ quốc.

2. Sân vận động Thống Nhất – TP. Hồ Chí Minh
Sân vận động Thống Nhất là địa điểm tọa lạc tại trung tâm Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Sân được xây dựng vào năm 1929 và khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 1931. Ban đầu có tên là Sân vận động Renault. Đây là một trong những sân vận động lâu đời và mang tính biểu tượng của bóng đá Việt Nam.
Sân vận động Thống Nhất mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời kỳ Pháp thuộc. Sân có sức chứa khoảng 15.000 chỗ ngồi, với 4 khán đài chính bao gồm khán đài A, B, C và D. Sân Thống Nhất hiện nay là sân nhà của Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang thi đấu tại V-League. Ngoài ra, sân cũng từng là sân nhà của một số câu lạc bộ khác như câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn từ năm 2016 đến 2022 hay câu lạc bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến 2002.
3. Sân vận động Cẩm Phả – Quảng Ninh
Sân vận động Cẩm Phả là sân vận động toạ lạc tại trung tâm thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Trước đây, đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Than Quảng Ninh. Sau đó, sân trải qua nhiều lần nâng cấp và cải tạo để chuẩn bị cho công tác tổ chức SEA Games 31.
Với sức chứa lớn từ 16.000 đến 20.000 chỗ ngồi cùng lối kiến trúc hiện đại, vị trí nằm gần bờ biển, sân vận động Cẩm Phả được đánh giá là một trong những sân vận động đẹp và hiện đại ở Việt Nam. Sân được trang bị mặt cỏ tự nhiên và có 4 khán đài để phục vụ người hâm mộ thể thao. Ngoài tổ chức bóng đá, sân cũng thường xuyên được sử dụng cho các sự kiện thể thao và văn hóa của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

4. Sân vận động Hòa Xuân – Đà Nẵng
Tọa lạc tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng là sân nhà của câu lạc bộ SHB Đà Nẵng – sân vận động Hòa Xuân. Sân được khởi công xây dựng vào năm 2013 và khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 30/08/2016. Tại Việt Nam, sân Hoà Xuân là sân vận động lớn thứ hai được xây dựng dành riêng cho hoạt động bóng đá.
Sân có tổng sức chứa lên đến 20.500 chỗ ngồi, với 4 khán đài chính bào gồm khán đài A cao 5 tầng, các khán đài B, C D cao 1 tầng. Đây là địa điểm SHB Đà Nẵng thường xuyên thi đấu các trận đấu trong khuôn khổ V-League và các giải đấu quốc gia khác. Sân Hoà Xuân được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp. Hiện tại, sân đang được thành phố Đà Nẵng lên kế hoạch đầu tư nâng cấp mục vụ thêm nhiều mục đích thể thao và sự kiện trong tương lai.
5. Sân vận động Lạch Tray – Hải Phòng
Sân vận động Lạch Tray là sân vận động nằm tại thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Nơi đây là một trong những sân vận động lâu đời và nổi tiếng nhất của bóng đá Việt Nam. Không chỉ là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng, “chảo lửa” Lạch Tray còn là biểu tượng của tinh thần thể thao và niềm tự hào của người dân thành phố cảng.
Được xây dựng từ năm 1957 và khánh thành vào năm 1958, sân sở hữu lối kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn của thành phố cảng. Với sức chứa khoảng 30.000 chỗ ngồi, sân luôn nổi tiếng với bầu không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Hải Phòng. Để đáp ứng nhu cầu bóng đá hiện đại, sân đã được thành phố cảng đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, mặt cỏ của sân cũng được thay mới bằng cỏ bermuda nhập khẩu từ Mỹ và chăm sóc kỹ càng.
6. Sân vận động Phú Thọ – TP. Hồ Chí Minh
Sân vận động Phú Thọ ở TP. Hồ Chí Minh thực tế là một khu liên hợp thể thao, bao gồm cả nhà thi đấu và sân vận động ngoài trời. Tọa lạc tại số 1 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Địa điểm này được xây dựng để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 (SEA Games 22). Khánh thành vào ngày 20/11/2003, Phú Thọ là có sức chứa khoảng 5.000 đến 8.000 người, nơi đây thường được sử dụng cho các sự kiện thể thao trong nhà, biểu diễn nghệ thuật, và triển lãm.
Sân Phú Thọ là sân vận động ngoài trời nằm trong khu liên hợp thể thao Phú Thọ. Nằm gần trường đua Phú Thọ, sân có địa chỉ tại số 221 Lý Thường Kiệt, P.15, Quận 11. Sân là nơi tổ chức các trận đấu bóng đá cùng các hoạt động thể thao ngoài trời khác. Ngoài ra, khu vực này còn có các sân bóng đá mini phục vụ phong trào bóng đá phủi.
7. Sân vận động Đà Lạt – Lâm Đồng
Nằm ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sân vận động Đà Lạt là sân đa năng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây được đánh giá là một trong những sân vận động đẹp nhất khu vực Tây Nguyên. Tọa lạc tại số 01 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sân là một phần của dự án Khu Liên hợp Văn hóa – Thể thao tỉnh Lâm Đồng, được triển khai từ tháng 12/2013.
Sân vận động Đà Lạt có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 300 tỷ đồng. Diện tích của sân rộng gần 6,9ha, mặt sân được trồng cỏ tự nhiên để phục vụ tổ chức các trận đấu bóng đá, các sự kiện thể thao và văn hóa. Ngoài ra, sân còn có đường chạy điền kinh bao gồm 8 làn đường dài 400m và 10 đường chạy thẳng 100m. Với vị trí nằm trên đồi Thánh Mẫu, sân vận động có khung cảnh nên thơ, là địa điểm thu hút du khách đến tham quan và chụp ảnh.

8. Sân vận động Thiên Trường – Nam Định
Sân Thiên Trường, tọa lạc tại đường Đặng Xuân Thiều, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, trước đây sân có tên là sân vận động Chùa Cuối – nơi đây là một trong những sân vận động nổi tiếng và được yêu thích nhất của bóng đá Việt Nam. Đến năm 2000, sân được tu sửa rồi đổi tên thành Thiên Trường kể từ năm 2003. Người dân thành phố Nam Định luôn tự hào vì sân vận động Thiên Trường là một trong những địa điểm tham gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 và 2021.
Với sức chứa khoảng 30.000 chỗ ngồi, sân Thiên Trường được trang bị mặt cỏ tự nhiên, có thời kỳ sân còn được đánh giá cao hơn cả sân Mỹ Đình về mặt sân do được chăm sóc và bảo dưỡng tốt. Đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Nam Định, là nơi tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ V-League và các giải đấu quốc gia khác. Nổi tiếng với bầu không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ, nơi đây thường được mệnh danh là “chảo lửa” Thiên Trường.
Sự giao thoa giữa thể thao và nghệ thuật kiến trúc của các sân vận động
Mặc dù so với các quốc gia phát triển, sự giao thoa giữa thể thao và nghệ thuật kiến trúc tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhưng những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện.
- Sự cải thiện về cơ sở vật chất: Trong những năm gần đây, nhiều sân vận động ở Việt Nam đã được cải tạo và nâng cấp, với sự chú trọng hơn đến thiết kế và thẩm mỹ. Ví dụ, sân vận động Thiên Trường được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng công trình và vẻ đẹp mỹ thuật. Hay sân vận động Hòa Xuân (Đà Nẵng) là một ví dụ cho việc xây dựng sân vận động hiện đại, với thiết kế chú trọng đến trải nghiệm của khán giả.
- Ảnh hưởng của văn hóa địa phương: Tại Việt Nam, một số sân vận động mới được xây dựng có xu hướng kết hợp các yếu tố văn hóa địa phương vào thiết kế. Đơn giản có thể kể đến như sân vận động Quy Nhơn – Bình Định được cải tạo với tông màu vàng nâu, gợi nhớ đến tháp Chăm cổ kính – biểu tượng văn hóa Champa của địa phương. Hoặc như sân Lạch Tray với biểu tượng hoa phượng đặc trưng của Hải Phòng, thường xuất hiện trong các hoạt động của cổ động viên tại sân.
- Sự chú trọng đến trải nghiệm: Các sân vận động mới xây dựng hay được cải tạo đang chú trọng hơn đến việc tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khán giả. Các tiện nghi hiện đại, không gian thoải mái, sự đầu tư vào hệ thống chiếu sáng, âm thanh và các tiện ích khác cũng được đẩy mạnh để đáp ứng các tiêu chuẩn sân bãi quốc tế.

Tầm quan trọng của sân vận động trong đời sống thể thao và văn hóa
Sân vận động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thể thao và văn hóa, không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện thể thao mà còn là biểu tượng của tinh thần cộng đồng và niềm tự hào dân tộc.
Trong đời sống thể thao, sân vận động là địa điểm chính để tổ chức các trận đấu thể thao chuyên nghiệp và nghiệp dư, tạo điều kiện cho các vận động viên thể hiện tài năng bản thân. Đây cũng là nơi các đội tuyển và cá nhân tham gia luyện tập, nâng cao trình độ. Ngoài ra, sân vận động còn có thể sử dụng để tổ chức các sự kiện thể thao quần chúng, khuyến khích mọi người tham gia rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất.
Trong đời sống văn hóa, sân vận động là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng, là nơi mọi người cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng. Ngoài các sự kiện thể thao, sân vận động còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí lớn, như các buổi hòa nhạc, lễ hội, thu hút đông đảo khán giả tham gia. Các sân vận động có kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Sân vận động là công trình kiến trúc được thiết kế đặc biệt để tổ chức các sự kiện thể thao. Ngoài là nơi diễn ra các trận đấu, giải đấu, và các hoạt động thể thao, nơi đây đồng thời là nơi khán giả đến xem và cổ vũ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhau. Trên đây là danh sách những sân vận động đẹp nhất Việt Nam. Bóng Đá Bên Bển sẽ liên tục mang đến cho bạn những thông tin thể thao hấp dẫn nhất, từ các giải đấu lớn đến những kiến thức về các sân vận động Olympic huyền thoại. Hãy theo dõi chúng tôi nhé!